Thực hiện tuyên truyền dự án Luật Dữ liệu trong Công an tỉnh Sóc Trăng
Theo đó, nội dung Kế hoạch đã đề ra mục tiêu, yêu cầu cụ thể đối với lực lượng Công an trong toàn tỉnh như sau:
(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan đến các cơ quan báo chí, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong xây dựng dự án Luật Dữ liệu.
(2) Phản bác, đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình, phát tán thông tin sai sự thật về dự án Luật nhằm giảm uy tín của lực lượng Công an và chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
(3) Phát huy vai trò chủ động của Công an các đơn vị, địa phương, sự phối hợp của các đơn vị có liên quan và phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền những chính sách, nội dung lớn của dự án Luật Dữ liệu.
(4) Phát huy đồng bộ, hiệu quả các kênh tuyên truyền, trong đó đặc biệt chú trọng, phát huy vai trò cơ quan báo chí trong và ngoài ngành; trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cộng tác viên dư luận xã hội để truyền thông những chính sách, nội dung lớn của dự án Luật Dữ liệu.
(5) Việc tổ chức tuyên truyền phải xác định rõ nội dung, phân công trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương và bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm.
(6) Công tác tuyên truyền được thực hiện chủ động, linh hoạt, phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương.
Ảnh minh họa.
Đối tượng tuyên truyền bao gồm cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với nội dung tuyên truyền: (1) Sự cần thiết xây dựng Luật Dữ liệu tại Việt Nam; (2) Vị trí, vai trò của Trung tâm dữ liệu quốc gia trong quá trình chuyển đổi số; (3) Vai trò, hiệu quả của cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia trong hỗ giải quyết thủ tục hành chính, phân tích chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành, hoạch định chính sách; (4) Hiệu quả mang lại của những sản phẩm, dịch vụ dữ liệu được quy định trong dự án Luật Dữ liệu.
Hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, nổi bật là: (1) Tuyên truyền trực tiếp gắn với việc tuyên truyền Luật Căn cước, Luật Cư trú và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; (2) Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình để thực hiện công tác tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng nhằm kịp thời đưa tin các sự kiện theo tiến độ xây dựng dự án luật; (3) Phối hợp các Tổ công tác Đề án 06 các cấp (tỉnh, huyện, xã), đoàn thanh niên, hội phụ nữ cơ sở Công an các địa phương thành lập các đoàn tuyên truyền pháp luật tại các địa phương; (4) Tuyên truyền đa phương tiện qua bài viết, tư liệu, ứng dụng hình ảnh trên các trang Fanpage, Zalo...; (5) Tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về dữ liệu, tọa đàm, trao đổi về các nội dung chính sách lớn của dự án Luật Dữ liệu với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học.
Việc thực hiện tuyên truyền dự án Luật Dữ liệu chia thành 03 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thông qua đề nghị xây dựng luật và có Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Giai đoạn 2: Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua chương trình xây dựng Luật.
- Giai đoạn 3: Khi Bộ Công an xây dựng dự án Luật (thực hiện xuyên suốt từ khi bắt đầu xây dựng dự án Luật cho đến khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, dự kiến tháng 5/2025).
Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả; duy trì hoạt động các kênh mạng xã hội đã xây dựng, thường xuyên lựa chọn, đăng tải, chia sẽ các tin, bài có liên quan đến việc tuyên truyền dự án Luật Dữ liệu, phấn đấu thực hiện đạt 100% nhiệm vụ được giao.